Máy bay điều khiển nhập môn - bài này mình xin hướng dẫn toàn tập về môn máy bay điều khiển từ cơ bản đến nâng cao
Liên hệ facebook - admin : Khệnh
Phần 1 - Giới thiệu chung
Để chơi được trò chơi này thì có một câu nói mà giới chơi máy bay điều khiển đã truyền tai nhau từ lâu "Đam mê là điều kiện cần, và kinh tế là điều kiện đủ".
Tại sao đam mê lại đặt trước điều kiện kinh tế, bởi vì đam mê quyết định gần như tất cả. Đến với môn này, bạn sẽ học hỏi được rất nhiều từ các vấn đề máy móc hay cách lắp đặt máy bay điều khiển, cách sửa chữa, học cách làm nghề sơn, tiện, gò hàn, mộc, composite....Bạn thậm chí sẽ mất hàng giờ đắm đuối với những em máy bay điều khiển của mình để cân chỉnh, cài đặt trong hàng tuần liền và rạo rực khi cất cánh vào cuối tuần và rồi có thể nó cắm đầu xuống đất trong tích tắc...
Và vì thế nên nếu không có sự đam mê theo đuổi đến cùng thì kinh tế có đầy đủ cũng không còn giá trị trong việc chơi môn này. Cái hay của trò này cũng chính là lúc đầu tư thời gian công sức cho việc lắp ráp chỉnh sửa...và lúc đó bạn sẽ thấy vì sao cái cục động cơ tí hon lạnh ngăn ngắt lại hấp dẫn ma lực như vậy, chứ thời gian bay thực tế không nhiều. Cả tuần đi bay 1 buổi, mỗi buổi bay chỉ khoảng 30 phút đến 1h với vài lần cất hạ cánh trong sự sung sướng pha lẫn căng thẳng. Những lợi ích khi chơi môn này, đó là sự chiến thắng và vượt qua chính bản thân mình, đó là cảm giác được làm chủ và áp đặt hoàn toàn theo ý muốn, dưới bảo trên phải nghe . Người chơi máy bay điều khiển (MBMH) cũng có nhiều kiểu chơi khác nhau. Người thì thích làm máy bay điều khiển theo các bản vẽ có sẵn hoặc tự cải tiến thiết kế theo ý mình và bay thử để thử các tính năng bay, người thì chỉ tập trung vào các đường bay biểu diễn, người thích MB động cơ nổ, người lại thích motor điện, người thì chơi MBMH đúc nhựa hay composite....
Ở Hà nội hiện nay có khoảng 3 nhóm bay khác nhau, và thường tụ tập với nhau hàng tháng dưới sự điều động của Quân Chủng Phòng Không Không Quân. Ngoài nhóm máy bay thì còn nhóm khác là oto và tàu thuyền. Nhìn chung thì kỹ năng điều khiển máy bay là khó nhất và nó cũng mang lại cảm giác tột độ nhất, nặng về các bài biểu diễn, nhào lộn...oto thì lại hay ở hệ thống máy móc, gầm bệ, truyền động, hệ thống treo giảm xóc.... và nhất là trên đường đua có tính đối kháng trực tiếp rất cao...tàu thuyền thì lại tao nhã lả lướt với sóng nước....
P51D
Phần 2 - Hướng dẫn bay máy bay điều khiển cánh bằng
I. Hướng dẫn bay
Chế tạo máy bay điều khiển bằng vô tuyến điện là một trong những môn tiêu khiển thú vị nhất hiện nay. Bộ môn này liên hệ đến nhiều ngành, những qui tắc, và kỹ năng. Có thể kể ra vài khía cạnh chủ yếu như khí động lực học, điện tử, cơ khí, phác thảo và thiết kế, chế tác vật liệu composite, gia công gỗ, và tất cả chỉ trong chiếc máy bay mà thôi. Còn nhiều lĩnh vực khác liên quan đến bộ môn mô hình máy bay điều khiển, nhưng quá nhiều và đa dạng để có thể liệt kê hết. Rất nhiều người nhận thấy rằng họ phải học hỏi nhiều kỹ năng trước khi họ sẵn sàng để học bay. Bộ môn này cũng thay đỗi đều đặn theo sự phát triễn của kỹ thuật và công nghệ. Một người mới có thể gặp một số trở ngại lúc ban đầu nhưng chắc chắn sẽ không nhàm chán.
Để giảm bớt những trở ngại, bạn nên làm quen với những người đã chơi nhằm học hỏi nhhững kỹ năng cần thiết. Có thể thực hiện điều này một cách đơn giản bằng cách tham quan một sân bay và làm quen với những người chơi kinh nghiệm hoặc gia nhập một câu lạc bộ. Những người chơi mô hình này là nguồn kiến thức và kinh nghiệm, có thể là vô giá, đối với người mới, khi anh ta bắt đầu chế tạo mô hình đầu tiên của mình và bắt đầu tập bay. Một người chơi mô hình kinh nghiệm có thể làm một huấn luyện viên dạy người mới những kỹ năng cần thiết để bay, kể cả tránh được những vụ rơi máy bay khó tránh khỏi.
Người mới chơi mô hình phải ý thức rằng một mô hình máy bay điều khiển bằng vô tuyến điện không phải là một món đồ chơi. Nó là một máy bay thật sự vận hành theo những nguyên tắc như một máy bay thật, với sự khác biệt chỉ là kích thước và trọng lượng. Một mô hình trung bình có thể bay với vận tốc 20 đến 60 dặm/giờ và nặng khoảng 5 1/2 - 6 cân Anh (khỏang 2.8 đến 3kg - chú thích của người dịch). Lực mà mô hình có thể va đập một vật thể rất mạnh và nguy hiểm, nhất là đối với con người. Mô hình phải được điều khiển một cách thích hợp nhằm bảo đảm an tòan cũng như sự thú vị.(Nó không phải đồ chơi bởi vì nó là đồ thật có tỉ lệ thu nhỏ. Người ta thường phân biệt rõ ràng Đồ chơi(toy) và Mô hình điều khiển sóng radio(Hobby, RC = Radio Control) P51D.)
Trước khi mua sắm thiết bị, người muốn chơi mô hình phải tự hỏi, Đây là bộ môn mình thử chơi hay sẽ là môn mà mình sẽ chơi lâu dài ?. Nếu có ý định chơi lâu dài, bạn có thể cân nhắc việc mua sắm thiết bị mắc tiền, ví dụ như máy nổ có bạc đạn và bộ điều khiển 6 kênh. Ngược lại, bạn nên giới hạn chi phí ban đầu càng thấp càng tốt. Người mới chơi có thể tậu các thiết bị đã qua xử dụng với cái giá khoảng US$200 - tuy nhiên cần chắc chắn rằng các thiết bị này là đáng tin cậy. Nếu không cẩn thận, người mới có thể tốn cả ngàn đô để mua sắm.
II. Cơ bản về bay
Người bắt đầu chơi nên nắm các khái niệm cơ bản về bay. Lý thuyết về bay được đề cập trong nhiều sách vở. Có những lý thuyết khác biệt, đôi khi trái ngược, và tranh cãi về nguyên do làm sao máy bay điều khiển có thể bay. Tuy nhiên nguyên tắc chủ yếu được thừa nhận là sức nâng được sản sinh do sức ép của không khí dưới cánh lớn hơn sức ép của không khí bên trên cánh.
Sơ đồ về lực nâng biểu thị một vài thuật ngữ liên quan đến phần cánh. Những thuật ngữ này rất thông dụng trong môn máy bay R/C.
Airfoil ạng cánh,thường gọi là gân cánh
Chord line :đường thẳng nối cạnh trước và cạnh sau cánh
Angle of attack :góc giữa chord line và hướng bay
Direction of flight :Hướng bay, hướng tương đối của cánh đối với không khí tĩnh.
Leading edge :mép cạnh trước của cánh
Trailing edge :mép cạnh sau của cánh
Có bốn lực cơ bản tác động vào một máy bay điều khiển đang bay: lực đẩy(thrust), lực nâng (lift), lực cản (drag) và trọng lực (weight). Lực đẩy tạo ra từ sự kết hợp của động cơ và cánh quạt, kéo máy bay điều khiển tiến về phía trước. Lực cản là lực kháng lại sự di chuyển của máy bay do lực của không khí đối với mặt phẳng tiến về phía trước. Trọng lực do bởi sức hút của trái đất. Để duy trì tốc độ, lực đẩy và lực cản phải bằng nhau. Để duy trì cao độ, lực nâng phải cân bằng trọng lực.
Lực nâng tăng lên khi dòng không khí di chuyển qua cánh tăng hoặc khi góc cánh tăng trong khi dòng khí chảy qua cánh vẫn liên tục. Quá trình bay đạt được khi lực nâng cân bằng với trọng lực.
Chuyển động của một máy bay điều khiển diễn ra quanh ba trục: hướng (yaw axis), hay trục thẳng kiểm soát bởi rudder; cao độ (pitch axis) hay trục đứng kiểm soát bởi elevator; roll (roll axis), hay trục lăn tròn kiểm soát bởi ailerons. Máy bay có thể đổi trạng thái theo một trong ba trục riêng biệt hoặc kết hợp, dựa vào các mặt điều khiển và hướng bay.
Khi rudder bẻ sang phải, máy bay điều khiển sẽ hướng sang phải theo trục thẳng và ngược lại. Khi elevator nâng lên, máy bay sẽ hướng mũi lên. Ailerons thì hoạt động theo hướng ngược lại: Khi aileron trái nâng và aileron phải hạ, tàu sẽ roll sang trái, và ngược lại.
III. Máy bay huấn luyện cơ bản
Thông thường, người yêu thich mô hình tham quan một sân bay và quan sát. Anh ta thấy đủ loại tàu bay, từ huấn luyện,đến tàu nhào lộn đến loại tàu kiểu đệ nhị thế chiến. Anh ta thường thích thú hơn với những máy bay có dáng. Anh ta nghĩ, mình phải có một chiếc Mustang như thế. Anh ta liền lập tức tậu một chiếc P-51 và bắt đầu việc lắp ráp mô hình của mình. Đây là một sai lầm nghiêm trọng. Phải mất nhiều giờ huấn luyện và thực hành trước khi một tân binh có kỹ năng cần thiết để lèo lái một tàu bay cao cấp hơn. Một tân binh phải có những nỗ lực cần thiết để đạt được kỹ năng có thể bay loại tàu thoạt tiên thu hút anh ta. Anh ta phải nhập môn với một tàu huấn luyện cơ bản, dần dần tiến bộ qua nhiều trình độ tàu khác nhau cho đến khi đạt được mục tiêu.
Tàu bay huấn luyện là một loại mô hình đặc biệt, được thiết kế để bay rất ổn định. Loại tàu này có khả năng tự điều chỉnh, vượt qua những tác động đổi hướng, để có thể bay thẳng và thăng bằng. Đa số máy bay huấn luyện được thiết kế để chúng có thể bay ổn định ở vận tốc thấp, nên việc hạ cánh cũng rất dễ dàng.
Lược đồ một tàu huấn luyện cơ bản cho thấy các thành phần của một tàu huấn luyện thông dụng:
Aileron : bộ phận cử động được ở cuối cánh, kiểm soát trục roll
Cowling : một phần thân tàu, vỏ che máy
Engine : máy, động cơ, 2 thì (hoặc 4 thì - người dịch)
Elevator : phần cử động được của đuôi ngang, khiểm soát hướng tàu lên xuống
Fin : đuôi đứng, tạo ổn định trục hướng dọc thân tàu
Fuselage : thân tàu, nền nối kết các thành phần của máy bay điều khiển, đồng thời chứa các đối tượng chuyên chở
Landing gear : bộ phận đáp, bao gồm càng đáp và bánh đáp
Prop : propeller, cánh quạt
Rudder : bộ phận cử động được của đuôi đứng kiểm soát việc chuyển hướng trái phải
Spinner : bộ phận che đầu trục cánh quạt
Stabilizer : đuôi ngang, tạo ổn định theo trục đứng (hướng lên xuống)
Wing : cánh, mặt phẳng nằm ngang, bộ phận tạo lực nâng
Một số tiêu chuẩn cần thiết mà một tàu huấn luyện cần có để hỗ trợ tốt cho người nhập môn:
1. High wing - cánh cao, thường gọi là cánh trên. Mô hình cánh trên tự nhiên ổn định hơn hơn tàu cánh dưới (low wing - cánh thấp) nhờ vào hiệu ứng treo. Do trọng lực tàu nằm bên dưới cánh, thân tàu có xu hướng lắc xuống như con lắc để cân bằng lực.
2. Flat bottom wing - cánh đáy phẳng, thường gọi là cánh bằng. Loại cánh có gân đáy phẳng, cách bay nhẹ nhàng, cần thiết cho người nhập môn.
3. Dihedral - độ chếch của cánh. Thuật ngữ này chỉ góc tạo ra bởi mút cánh cao hơn phần giữa cánh. Cánh có dạng chữ V. Tàu huấn luyện thường có cánh có dihedral. Tác động của dihedral là nhằm tạo cân bằng lực và giữ cho cánh thăng bằng hoặc đưa cánh trở về vị trí cân bằng.
4. High aspect ratio - Tỉ lệ sải cánh tối thiểu khoảng 5 1/2 bề rộng cánh. Tỉ lệ này giảm độ nhạy của tàu đáp ứng với điều khiển của người lái, giúp người mới học có đủ thời gian phản ứng.
5. Constant cord - bản cánh đều. Bề rộng cánh từ giữa cánh đến mút cánh nên bằng nhau. Thiết kế này chia đều trọng lượng tàu cho diện tích cánh.
6. Low wing loading: tải trọng trên cánh thấp: trọng lượng tàu chia cho diện tích cánh không nên vượt quá 19 oz/feet vuông. Đặc tính này giúp tàu có thể hạ cánh với tốc độ chậm.
7. Kích thước vừa phải: Đa số tàu huấn luyện có máy cỡ .15 đến .60. Máy cỡ nhỏ thường kém ổn định đối với các tác động bởi gió và thường có tải trọng cánh lớn, đơn giản là vì trọng lượng của bộ radio. Tàu cỡ lớn thì dễ bay và cũng dễ nhìn thấy hơn, nhưng khó chuyên chở hơn. Hầu hết các tàu huyến luyện thường ở cỡ máy .40. Cỡ tàu này được công nhận là cỡ tối ưu.
8. Sự chắc chắn: Tàu huấn luyện phải chịu được các lỗi của người tập lái. Điều này đặc biệt cần thiết cho việc hạ cánh mạnh tay. Tàu phải có khả năng chịu đựng những cú crash nhỏ với những hư hỏng nhẹ, đồng thời tàu cũng phải dễ sửa chữa.
Một tàu huấn luyện đạt những yêu cầu trên sẽ phục vụ người tập một cách mỹ mãn không gặp trở ngại có thể có như đối với các tàu không đạt. Với sự hướng dẫn đúng đắn, người mới tập lái có thể tiến bộ nhanh chóng để bay solo vượt qua giai đoạn nhập môn, và vẫn còn có thể bay thể thao với tàu huấn luyện này hàng nhiều năm sau.
Có một số tàu huấn luyện trên thị trường đạt được, thậm chí vượt xa những đòi hỏi này. Những chiếc này bao gồm từ những bộ kit chưa lắp ráp, những bộ ARF (Almost Ready to Fly = gần sẵn sàng để bay) đến những bộ VRTF (Virtual Ready to Fly = sẵn sàng cất cánh) có sẵn cả máy nổ và radio. Có nhiều yếu tố cân nhắc để chọn một tàu huấn luyện nhưng hai yếu tố cơ bản là thời giờ và giá cả.
Ráp một tàu huấn luyện từ kit thì, trong nhiều trường hợp, thường kinh tế hơn.Lựa chọn này giúp cho người chơi có sự thú vị trong việc láp ráp, sự chọn lựa màu sắc và trang trí, thêm kiến thức về kết cấu và sửa chữa tàu. Trở ngại lớn nhất là thời gian tiêu tốn trong khi người mới chơi lẽ ra nên tập bay. Trong vài trường hợp còn một trở ngại khác đó là người tập bay sợ hỏng công trình của mình.
Lợi thế lớn nhất của loại tàu ARF là chúng có thể được lắp ráp hoàn tất chỉ trong vài giờ và người tập lái có thể nhanh chóng bắt đầu tập bay. Bất lợi là giá cả, kết cấu tàu không rõ và đôi khi yếu, và trang trí định sẵn. Hầu hết các tàu ARF trên thị trường có thể bay tương đương hoặc gần như các tàu ráp từ kit. Nếu mua tàu ARF, bạn nên nhờ một người chơi có nhiều kinh nghiệm kiểm tra trước khi bắt đầu ráp. Một người chơi mô hình kinh nghiệm có thể chỉ ra chỗ nào phải dán keo lại hoặc gia cố thêm.
Có nhiều tàu huấn luyện được nhìn nhận rộng rãi như là loại tàu tốt nhất mặc dù có những bất đồng về loại tàu tốt nhất mọi thời đại. Danh sách dưới đây không bao gồm tất cả nhưng là các hiệu máy bay được chấp nhận rộng rãi và được giới thiệu bởi những người chơi kinh nghiệm. Vài loại dùng máy .20 và .60 nhưng đa số là loại .40.
Tên Hãng Mô tả
Stick 40+ Balsa USA Bộ kit cơ bản nhất, kinh tế, dễ ráp,dễ bay, khó hỏng
Kadet LT40 SIG Mfg., Inc kit chất lượng rất tốt, khá dễ ráp, dễ bay.
Kadet Senior SIG Mfg., Inc kit chất lượng rất tốt, khó ráp,dễ bay.
Eagle II Carl Goldberg kit chất lượng rất tốt, khá dễ ráp, dễ bay.
Aerostar 40 Midwest kit chất lượng rất tốt, khá dễ ráp, dễ bay.
Telemaster 40 Hobby Lobby kit chất lượng rất tốt, khá dễ ráp, dễ bay.
PT40 MkII Great Planes kit chất lượng rất tốt, khá dễ ráp, dễ bay.
Trainer 40 Thunder Tiger ARF chất lượng tốt, dễ ráp, dễ bay.
Trainer 40&60 Tower Hobbies ARF chất lượng tốt, dễ ráp, dễ bay.
Theo kinh nghiệm của các phi công trong đội HN thì hiện nay chiếc Wasp do cơ sở Tuấn Hải TPHCM sản xuất là loại máy bay tập lái tốt và ổn định nhất, giá khoảng 500.000 - 550.000VND/1 bộ kit ARF, được sản xuất dành cho loại động cơ 0.46)
Hầu hết các tàu này đều được nhận xét đánh giá bởi những tạp chí về mô hình. Bạn có thể tham khảo thêm những bài viết này để quyết định nên mua loại nào cũng như những gợi ý, chú ý khi lắp ráp. Tuy có những lời khuyên từ những người kinh nghiệm, chọn lựa cuối cùng vẫn thuộc về Bạn. Chọn lựa một mô hình là một chọn lựa cá nhân và tất cả những sự thuận lợi hay bất lợi nên được cân nhắc. Mỗi người sẽ có sự thích thú riêng về kiểu dáng và cách chiếc máy bay thể hiện, và chiếc nào thì phù hợp với những yêu cầu này.
IV. Bộ radio cơ bản
Hiện nay có nhiều loại radio tân tiến để bạn chọn lựa. Có nhiều nhãn hiệu thông dụng như Futaba, Airtronics, JR, Hitech, và Ace. Mỗi hiệu có nhiều hạng từ loại 2 kênh đơn giản cho đến loại 8 kênh có hỗ trợ bằng kỹ thuật điện toán. Người mua chỉ bị giới hạn bởi túi tiền. Bạn nên bàn bạc với huấn luyện viên tương lai về dự định chọn lựa của mình. Có nhiều lý do để làm điều này. Một trong những lý do đó là bộ radio của bạn phải phù hợp với bộ của huấn luyện viên nếu bạn có dự định dùng máy của mình làm máy học trò (buddy box). Vấn đề này sẽ được đề cập chi tiết hơn sau này.
Bất cứ bộ radio cơ bản nào cũng bao gồm bốn thành phần chính yếu sau:
Transmitter : Máy phát, thiết bị nhận điều khiển từ tay bạn bằng cần, mã hóa và chuyển tín hiệu đến (máy nhận) máy bay điều khiển
Receiver : Máy thu, thiết bị nhận tín hiệu, giải mã, chuyển đến servo thực hiện
Servo : Thiết bị thực hiện động tác cơ khí theo lệnh từ receiver
Batteries : Pin cấp điện cho receiver và các servo
Có một số tần số cụ thể qui định bởi Cơ quan Truyền thông Liên bang (Federal Communications Commision = FCC) để dùng cho các mô hình máy bay điều khiển bằng radio. Bạn phải chắc chắn rằng bộ radio mình chọn có tần số theo qui định này. Hầu hết các nhà sản xuất đều dán nhãn trên bao bì Chỉ dùng cho hàng không. Bạn có thể tham khảo thêm bảng liệt kê tần số xử dụng cho điều khiển từ xa.
Bộ radio bạn chọn còn phải thỏa các thông số 1991 đối với máy thu băng tần hẹp. Bạn không cần thực sự biết những đòi hỏi đối với các thông số này bởi vì hệ thống đã được chứng nhận theo tiêu chuẩn này. Sách hướng dẫn của bộ radio sẽ nói rõ hệ thống đã đạt yêu cầu, và đa số các bộ radio sẽ được gắn một nhãn vàng để thể hiện điều này.
Bộ radio có thể gửi - nhận tín hiệu theo băng tần FM hoặc AM. Băng tần FM ít bị nhiễu hơn AM mặc dù dùng AM thì cũng hiếm khi có vấn đề nhiễu sóng. Vài kiểu máy dùng một hệ thống trong, gọi là PPM, để triệt tiêu hiện tượng nhiễu sóng.
Bỏ qua nhãn hiệu, số kênh (channel), vấn đề giá cả, mọi máy phát (transmitter) đều có các bộ phận cơ bản như nhau. Máy phát có thể được trang bị thêm vài công tắc, các bộ phận trượt, màn hình, tùy vào các chức năng.
Antenna : Ăng-ten, bộ phận truyền phát tín hiệu
Batteries : Pin nguồn điện của máy phát
Battery meter : Đồng hồ đo pin máy phát
Crystal : Thiết bị định tần số truyền tín hiệu
Gimbals(sticks) : Thiết bị điều khiển, cần điều khiển
Handle : Quai xách
Power switch : Công tắc nguồn
Trainer switch : Nút/công tắc huấn luyện; huấn luyện viên giao điều khiển cho máy học trò bằng công tắc này (hai máy nối nhau)
Trim lever : Công tắc trượt tinh chỉnh điều khiển khi đang bay
Có hai kiểu (mode) điều khiển chính, đó là cách thức mà cần điều khiển được cài đặt. Người ta vẫn còn tranh cãi chưa dứt xem mode nào thì dễ xử dụng hơn và tốt nhất cho người mới học. Mode điều khiển khác nhau giữa Hoa Kỳ và phần lớn các nước Âu Châu. Mode I được dùng nhiều ở Âu Châu trong khi mode II được dùng ở Hoa Kỳ.
Mode 1
Mode 1 có từ khi bắt đầu kỹ thuật điều khiển tương tự. Máy phát đã được thiết kế đồng nhất theo cách này. Ý tưởng là elevator và rudder hay ailerons là những bộ phận điều khiển chính và mỗi bộ phận này nên được điều khiển bằng mỗi tay riêng biệt để bảo đảm độ chính xác. Về sau mode này vẫn được xử dụng cho những bộ điều khiển hiện đại ngày nay.
Mode 2
Những năm sau đó, suy nghĩ chuyển sang kiểu thiết lập mode 2. Ngày càng nhiều người chơi mô hình tin rằng việc điều khiển các bộ phận lái chủ yếu một cách hiệu quả bằng cùng một tay là dễ dàng hơn. Mode 2 trở nên thông dụng và được dùng hầu như khắp Hoa Kỳ. Người nhập môn không cần băn khoăn phải chọn mode nào vì các nhà sản xuất đã thiết lập sẵn cần điều khiển theo mode thông dụng ở địa phương.
Lại còn những cuộc tranh luận nhiều năm qua về việc liệu người mới chơi nên dùng radio có bao nhiêu kênh (channel) thì phù hợp. Một số thì cho rằng chỉ cần 3 là đủ: rudder, elevator, và ga. Lý lẽ ở đây là sẽ dễ dàng hơn cho người mới nhập môn chỉ dùng rudder để quẹo mà không cần quan tâm đến ailerons. Những người khác thì lại phản bác, cho rằng nên dùng bộ bốn kênh để bắt đầu: rudder, elevator, ga, và ailerons. Họ cho rằng nếu không dùng ailerons từ đầu, người nhập môn sẽ lại phải tiếp tục trải qua lớp nhập môn thứ hai để học dùng ailerons. Một bộ radio 4 kênh sẽ giúp điều khiển mô hình tốt hơn, nhất là trong khi cất cánh và hạ cánh với gió ngang. Ngày nay việc xử dụng radio 4 kênh để huấn luyện trở nên thông dụng.
Bạn cũng có thể mua một bộ radio 6 kênh với nhiều chức năng hơn, nhiều đặc tính không có ở một bộ 4 kênh cơ bản, như chức năng hai mức điều khiển (dual rate) chẳng hạn. Đặc tính này cho phép bạn giảm độ nhạy của cần lái và do đó bớt nguy cơ lái quá tay. Nếu bạn khá chắc chắn về việc sẽ dùng đến bộ 6 kênh sau này, bạn có thể quyết định mua bộ 6 từ khi bắt đầu và do đó có thể tiết kiệm trong tương lai. Còn nhiều điều phải được bàn bạc kỹ lưỡng với những người chơi giàu kinh nghiệm, nhất là với huấn luyện viên tương lai của bạn, trước khi bạn sắm sửa.
V. Động cơ cơ bản
Lọai động cơ chủ yếu người chơi mô hình thường dùng hiện nay là loại một xi-lanh, có bu-gi, xử dụng hỗn hợp mê-ta-nôn, ni-trô, và dầu (nhớt) castor. Hầu hết các bộ phận được làm bằng nhôm đúc, tiện hoặc gia công bằng máy. Các chiếc máy nhỏ này có thể tạo ra lực đẩy đáng nể, thay đổi tùy theo kiểu và cỡ máy. Một động cơ điển hình và kinh tế cỡ .40 có thể tạo ra công suất tương đương 1,1 sức ngựa (HP) khi hoạt động ở 11.500 vòng/phút RMP). Một động cơ cùng cỡ (.40) kiểu đua tốc độ có thể đạt 2,4 HP ở vận tốc 20.000 RPM. Các chi tiết máy của các động cơ cơ bản như nhau.
Một động cơ điển hình
Air Bleed Screw : Ốc gió, ốc chỉnh lượng khí vào bình xăng con, khi máy hoạt động ở mức cầm chừng
Backplate : Nắp chắn sau thân máy
Carburetor : Bình xăng con, bộ phận trộn và kiểm soát xăng gió vào máy
Crankcase : Thân máy
Cylinder : Xi-lanh, phần thân máy tạo lực nén
Glow plug : Bu-gi, cung cấp sức nóng kích nổ hỗn hợp nhiên liệu
Head : Nắp buồng nổ
Mounting lug : Phần dùng để ráp máy vào thân tàu
Muffler : Ống pô, thiết bị giảm tiếng ồn
Needle valve : Ốc chỉnh lưu lượng hỗn hợp xăng/gió
Prop shaft : Trục truyền động, chuyển sức máy ra quay cánh quạt
Throttle stop screw : Ốc chỉnh mức tối thiểu của cần ga
Thiết kế của động cơ có ảnh hưởng đến công suất, độ tin cậy cũng như tuổi thọ của nó. Trục máy có bạc đạn hay không. Sự bào mòn thường xảy ra giữa pit-tông với xi-lanh, trục máy và bạc thau hay bạc đạn. Hiện nay, nhiều động cơ thuộc loại ABC, pit-tông nhôm, lòng xi-lanh áo crôm. Sự kết hợp này thường cho phép động cơ hoạt động bền bỉ nhiều giờ không trục trặc nếu được bảo dưỡng đúng cách. Các động cơ dùng bạc đạn
(vòng bi) cho trục cánh quạt thường có công suất cao hơn 25% và bền hơn.
Các động cơ dành cho nhập môn này thường vượt yêu cầu đối với các tàu huấn luyện trung bình và là khỏan đầu tư tốt. Chúng có thể rất bền qua nhiều đời tàu huấn luyện nếu được bảo trì đúng cách.
Theo SaigonPilot
(Dịch từ tài liệu "Beginners Guide to R/C Flight" viết bởi Howard Sullivan)
Một số động cơ được bán tại VN(giá tham khảo)
OS AX46 Nhật $99
LEO 46 Đài Loan $80
SC 46 Trung Quốc $70
Động cơ ABC(aluminium,brass,chrome) Hợp kim Nhôm Đồng Crôm
Cũng có loại động cơ được làm từ Titan hay Ceramic và giá cả cũng đắt hơn nhiều.
P51D
VI. Chế tạo một máy bay huấn luyện
Việc chế tạo một máy bay huấn luyện không thể trình bày chi tiết trong khuôn khổ bài này. Máy bay huấn luyện mà bạn chọn cần phải có một bộ bản vẻ tốt và hướng dẫn đầy đủ để bạn có thể từng bước lắp ráp hoàn chỉnh kể cả việc ráp máy điều khiển. Có nhiều sách báo đề cập đến vấn đề này là những nguồn thông tin rất tốt. Một người nhập môn chưa có kinh nghiệm xử lý gỗ balsa nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ người nhiều kinh nghiệm, để tránh những sai sót co thể tạo nên ảnh hưởng đầy thảm họa.
Bạn nên chọn loại keo chắc chắn, khô chậm, cho phép bạn có thì giờ chỉnh sửa trong quá trình lắp ráp. Một trong những loại tốt nhất là Titebond. Loại này khô chậm nhưng cực kỳ chắc chắn và dễ đánh giấy nhám sau khi đã khô cứng. Tất cả những chỗ nối chịu áp lực lớn như mối nối giữa cánh hay vách ngăn máy nên dùng loại keo này.
Một điểm quan trọng bạn nên chú ý là sự ăn khớp ngay ngắn của cánh. Việc canh cho cánh được ngay thẳng đóng vai trò quyết định trong sự ổn định và tính cách tàu khi bay. Sách hướng dẫn của bộ kit phải nói rõ cách thức làm sao để canh dán cánh cho đạt yêu cầu.
Tác động của các mặt phẳng điều khiển
Những bộ radio đời mới thuộc loại điều khiển mô phỏng tương tự, nghĩa là mức độ hoạt động của các bộ phận điều khiển trên máy bay sẽ tương tự như mức độ mà bạn điều khiển trên máy phát. Nếu cần điều khiển được gạt đến vị trí giữa của một hướng, bộ phận điều khiển tương ứng trên máy bay điều khiển sẽ chuyển động đến vị trí giữa theo hướng tương tự. Trước tiên bạn nên làm quen với cách thức cần điều khiển tạo tác động cho máy bay. Trong điều kiện bay bình thường, ga được cố định để giữ vận tốc đều. Điều này có nghĩa lực đẩy bằng lực cản và lực nâng bằng trọng lực. Từ điều kiện cân bằng này, tác động do cần điều khiển tạo ra đối với máy bay điều khiển được diễn giải.
(Chú thích của người dịch: tác giả trình bày về bộ radio mode 2)
Cần điều khiển (stick) phải kéo lui
Khi stick phải kéo lui, elevator nâng lên. Động tác này làm máy bay hướng mũi lên, nâng góc tiến của cánh và sức cản. Nếu không tăng ga, máy bay điều khiển sẽ chậm dần lại và stall (triệt nâng). Điều này có nghĩa, không khí lướt qua cánh không còn đủ tạo lực nâng và tàu bắt đầu rơi.
Stick phải đẩy tới
Khi stick phải đẩy tới, elevator hạ. Động tác này làm mũi tàu chúc xuống, góc tiến của cánh thấp đồng thời lực cản giảm bớt. Do máy bay bay hướng xuống, vận tốc tàu sẽ tăng lên đến khi lực kéo và lực cản ngang nhau.
Hình trên: Stick phải bẻ qua phải
Khi stick phải bẻ sang phải, aileron phải nâng lên (hạ cánh phải xuống) đồng thời aileron trái hạ xuống (nâng cánh trái lên) . Động tác này làm tàu roll (xoay quanh trục thân tàu) sang phải. Nếu stick phải còn giữ bên phải bao lâu thì tàu còn tiếp tục roll bấy lâu. Khi roll, lực nâng không còn theo phương đứng do vậy tác động nâng sẽ giảm. Roll lâu đến một mức nào đó thì tàu sẽ bắt đầu rơi.
Hình trên: Stick phải bẻ qua trái
Khi stick phải bẻ qua trái, aileron trái nâng (cánh trái hạ) đồng thời aileron phải hạ (cánh phải nâng) làm cho máy bay điều khiển roll sang trái. Tương tự roll phải, lực nâng càng kém khi roll càng lâu và đến một lúc nào đó máy bay mất lực nâng và sẽ bắt đầu rơi.
Hình trên: Stick trái bẻ qua phải
Khi stick trái (rudder và ga) bẻ sang phải, rudder sẽ bẻ qua phải, làm tàu hướng sang phải. Động tác này làm cánh trái di chuyển hơi nhanh hơn và tạo gia tăng lực nâng. Sự kết hợp của động tác hướng phải và lực nâng gia tăng nơi cánh trái tạo nên sự chuyển hướng thường trực sang phải theo thời gian cần lái trái được bẻ phải.
Hình trên: Stick trái bẻ sang trái
Khi stick trái bẻ sang trái, rudder bẻ sang trái, mũi tàu hướng sang trái, cánh phải di chuyển hơi nhanh hơn và lực nâng cũng hơi gia tăng. Tàu sẽ tiếp tục hướng trái bao lâu stick trái còn bẻ trái.
Khi stick trái được đẩy tới, ga tăng lên làm tăng vận tốc tàu. Điều này sẽ làm gia tăng lực nâng và tàu sẽ có khuynh hướng leo cao (climb) lên. Khi stick trái (ga) được đẩy lui, ga đóng làm giảm vận tốc, giảm lực nâng, tàu có khuynh hướng hạ dần độ cao.
qua mô tả tác động của điều khiển, ta có thể thấy mỗi động tác điều khiển điều có một tác động phụ ảnh hưởng đặc tính bay của tàu. Ta có thể khắc phục những ảnh hưởng này bằng cách kết hợp nhiều động tác đồng thời để có kết quả mong muốn. Ví dụ, stick phải có thể vừa bẻ sang trái vừa kéo lui. Kết quả của động tác này là mũi tàu hướng lên để chống giảm nâng tạo ra động tác liệng (bank) sang trái mà không giảm cao độ.
VII. Đồ nghề
Đồ nghề trên sân Các thiết bị cần thiết để cất cánh một tàu huấn luyện có thể rất rẻ tiền. Chỉ cần một số thứ cơ bản là có thể đủ để đưa một tàu huấn luyện lên không và tập bay nhưng có thêm vài thứ khác thì có thể làm cho công việc trở nên dễ dàng hơn nhiều.
ĐỒ NGHỀ TỐI THIỂU
Tên Mô tả
Glow plug driver thường gọi là pin mồi, dùng để mồi (làm nóng) bu-gi để đề máy
Chicken stick Giò gà, que (thường có bọc cao-su) dùng để quay cánh quạt cho máy nổ
Fuel Nhiên liệu, pha trộn theo hướng dẫn của nhà sản xuất động cơ
Fuel bulb bơm xăng, dùng để bơm xăng vào mô hình
4-way wrench khóa kết hợp (chữ thập), dùng mở bu-gi, bù-lon cánh quạt
Tool box thùng đồ nghề đựng mấy dụng cụ trên
Mấy món này có giá khoảng $50. Giá này có thể hơi khác tuỳ nhãn hiệu và chỗ bán. Có thể cần thêm một số vặn vít, kềm, khoá...cho việc bảo trì trên sân.
ĐỒ NGHỀ TỐI ƯU
Tên Mô tả
Glow plug driver thường gọi là pin mồi, dùng để mồi (làm nóng) bu-gi để đề máy
Starter Mô-tơ khởi động máy - chạy bình
Fuel Nhiên liệu, pha trộn theo hướng dẫn của nhà sản xuất động cơ
Fuel bulb bơm xăng, dùng để bơm xăng vào mô hình - chạy điện (bình)
4-way wrench khóa kết hợp (chữ thập), dùng mở bu-gi, bù-lon cánh quạt
Field battery Bình điện nhỏ loại 12v
Field charger Máy sạc dùng sạc pin bộ radio
Tool box thùng đồ nghề đựng mấy dụng cụ trên
Mấy món này giá trên dưới $150. Giá cả tuỳ nhãn hiệu và nơi bạn mua. Hộp đồ nghề có nhiều giá nhưng cũng có thể tự chế tạo từ những vật liệu có sẵn. Có thể chế tạo thùng đồ nghề đơn giản hay hơi phức tạp một chút từ nhiều bản vẽ phù hợp với nhu cầu. Cần có thêm một số tua-vít, kềm, khoá...để làm bảo trì lặt vặt trên sân.
VIII. Học bay
Học bay Điều quan trọng nhất của việc học bay là tìm được một huấn luyện viên. Huấn luyện viên không nhất thiết phải được chứng nhận theo một tiêu chuẩn đặc biệt nào nhưng phải là một phi công nhiều kinh nghiệm với khả năng huấn luyện một cách nhẫn nại. Nhiều người cho rằng bay máy bay mô hình thì khá dễ dàng nên không cần huấn luyện viên và nhiều người cũng đã thành công nhưng với cái giá khá đắt. Nhiều người thì gặp trở ngại và vỡ mộng do bị crash ngay lần bay đầu tiên và chẳng bao giờ thử lần nữa. Bay máy bay điều khiển khó hơn ta tưởng nhiều, và nếu không có huấn luyện viên giúp ta sửa lỗi trong khi thực hành thì việc rớt máy bay là không thể tránh khỏi !
Có hai cách để huấn luyện viên giúp bạn học bay. Một là để huấn luyện viên bắt đầu bằng việc cất cánh và giao máy điều khiển lại cho học trò. Khi học trò gặp rắc rối, huấn luyện viên lấy lại máy và điều khiển máy bay. Khoản thời gian giao quyền là thời điểm chết khi mà cả học trò lẫn huyện luyện viên đều không điều khiển máy bay. Khoản thời gian này có khi đủ để máy bay rơi và vị phá hủy. Cách thứ hai là nối hai máy điều khiển thầy-trò lại với nhau nhờ đó huấn luyện viên có thể lấy quyền điều khiển kịp lúc bất cứ khi nào ông ta cảm thấy học trò đang gặp rắc rối. Đây là lý do tại sao ta nên sắm máy điều khiển tương thích với máy của người huấn luyện viên tương lai.
Một lựa chọn khác là bạn mua thêm buddy box (bớt-đi bótx). Thiết bị này cũng giống hệt như máy phát thông thường với pin, ăng-ten, nhưng bớt đi một vài bộ phận phát. Máy này có thể là máy cùng nhãn hiệu với bộ radio của học trò, được sản xuất chuyên cho việc học bay, hoặc là một máy phát cũ. Ưu điểm của chọn lựa này là nó cho phép bạn học bay với toàn bộ radio của bạn mà không cần dùng đến hay tương thích với radio của huấn luyện viên. Bạn có thể học bay với nhiều huấn luyện viên khác nhau mà mỗi người này có thể dùng radio nhãn hiệu khác nhau. Giá buddy box khoảng $20-$40, rất rẻ cho khoản bảo hiểm chống rơi máy bay.
Điều cuối cùng người nhập môn phải thực hiện trước khi bắt đầu khám phá thế giới của những chuyến phi hành là gia nhập Viện Mô hình Hàng không (Academy of Model Aeronautics - AMA, bắt buộc tại Hoa Kỳ - người dịch) hoặc Hiệp hội Phi hành Thể thao (SFA - Sport Flyers Association, Hoa Kỳ). Các tổ chức này cũng cung cấp bảo hiểm để bồi thường những thiệt hại gây ra bởi tai nạn mô hình máy bay điều khiển. Hiếm có câu lạc bộ nào cho phép bạn bay tại sân của họ ngoại trừ bạn đã có bảo hiểm này. Một vài CLB chỉ chấp nhận một loại bảo hiểm nhất định, hoặc chỉ AMA hoặc chỉ SFA. Gia nhập một CLB là hoàn toàn tùy ý, nhưng đây là việc rất được khuyến khích bởi vì CLB là một nguồn thông tin to lớn. Nếu bạn có thể tìm ra một nơi thích hợp để bay mà không bị ràng buộc bởi bất kỳ qui định nào, thì CLB không phải là điều bắt buộc để thành công. Bảo hiểm thì không nên xem như một lựa chọn, mà là sự phòng ngừa cần thiết. Còn nhiều ích lợi khác mà các tổ chức có thể cung cấp cho bạn, mỗi tổ chức có thể cung cấp những ích lợi khác nhau. Cách dễ nhất để tìm một CLB là hỏi thăm tiệm bán đồ hobby trong vùng. Nếu không có tiệm nào, AMA hoặc SFA có thể cung cấp thông tin này cho bạn.
Khi bạn đã sắm sửa đủ đồ lề, một huấn luyện viên và bảo hiểm, và đã nắm rõ nguyên lý bay cũng như cách thức xử dụng điều khiển, thì bạn đã sẵn sàng tiến tới để trở thành một phi công máy bay mô hình thực thụ. Để bảo đảm mọi thứ hoạt động hoàn hảo, huấn luyện viên phải kiểm tra từng thiết bị, từng bộ phận kỹ lưỡng. Máy bay điều khiển phải được kiểm tra cân bằng, bay thử, và điều chỉnh để bay tốt. Nếu phi công kiểm tra (test pilot) nhận thấy có vấn đề, thì vấn đề này phải được giải quyết triệt để, trước khi bạn có thể thực hiện chuyến bay đầu tiên. Chỉ sau khi phi công thử nghiệm duyệt toàn bộ thiết bị và máy bay, lúc đó việc huấn luyện mới nên bắt đầu.
Có một vài điều bạn nên ghi nhớ khi chuẩn bị mỗi chuyến bay. Những điều này giúp bạn có cảm nhận về chiếc tàu khi đang bay.
1. Điều khiển thật nhẹ nhàng. Chỉ cần một chuyển động nhỏ để máy bay thực hiện một động tác. Nhớ là cần điều khiển đẩy càng nhiều thì các mặt điều khiển di chuyển càng nhiều và mô hình đáp ứng càng nhiều.
2. Cần lái được cố định ở một vị trí bao lâu thì động tác vẫn liên tục thực hiện bấy lâu. Điều này quan trọng nhất khi dùng ailerons. Khi chuyển cần lái để roll, máy bay điều khiển sẽ roll liên tục suốt thời gian cần điều khiển được giữ.
3. Fly it in...fly it out (cụm từ này có nhiều nghĩa, xin giữ nguyên bản ngữ - nd). Khi một động tác được thực hiện, nó cần được trả lại bằng một động tác tương tự trái chiều, để mô hình trở về bay bình thường. Ví dụ, sau khi quẹo bằng ailerons bên này , ta phải trả lại thăng bằng bằng cách dùng ailerons bên kia.
4. Giữ cho tàu ở cao. Một huấn luyện viên có bằng cấp có lần đã nói, Hai thứ vô bổ nhất đối với một phi công là không khí ở bên trên và đường băng ở sau lưng. Ông ta ngụ ý, khi phi công gặp rắc rối, anh ta phải có nhiều không gian bên dưới (tàu) để tái lập thăng bằng; khi đáp, khoảng đường băng sau khi chạm bánh là đồ bỏ bởi vì đường băng hữu ích còn lại sẽ ngắn hơn trong trường hợp máy bay cần cất lên lại khi gặp sự cố.
5. Giữ cho tàu trong tầm nhìn. Đừng bay quá cao hay quá xa. Tuy chiếc trainer trông có vẻ to lớn, nó có thể dễ dàng bay rất xa do vậy khó kiểm soát phương hướng. Đừng bay vào phía mặt trời. Khoảng thời gian choá mắt bởi mặt trời có thể đủ lâu để lạc mất tàu.
6. Đừng thất vọng. Có những lúc mọi thứ như trở nên trục trặc. Mỗi động tác đều có kết quả gần như thảm hoạ. Mọi người bay máy bay mô hình đều trải qua những lúc như vậy trong thời gian tập bay. Đừng bỏ cuộc. Chuyến tiếp theo sẽ khá hơn.
7. Đừng hoảng hốt. Khi một động tác bị sai, hãy tận dụng thời gian để cứu lỗi. Sự hoảng hốt làm bạn điều khiển quá tay dẫn đến lỗi tệ hại hơn trong việc cứu tàu.
Những chuyến bay đầu tiên được bắt đầu bằng việc huấn luyện viên cất cánh và kiểm tra máy bay. Bạn nên theo dõi máy bay trong khi HLV giải thích từng động tác điều khiển. Điều này giúp bạn có ý niệm trực quan về những gì cần thiết để tiến hành cất cánh. Hạ cánh cũng vậy. Học để hạ cánh an toàn một mô hình, đến nay vẫn là điều khó nhất trong toàn bộ quá trình học bay. Mô hình sẽ bất ổn nhất khi bắt đầu tiếp cận hạ cánh, do gần đất, tốc độ chậm, phản ứng của mặt điều khiển chậm, và sự nhầm hướng do điều khiển ngược chiều.
Khi HLV đã đưa tàu lên độ cao cần thiết, thường là 150-200 bộ (khoảng 50-70m), HLV sẽ hỏi xem bạn đã sẵn sàng cầm lái chưa. Thường thì vào ngay lúc này bạn sẽ lo lắng. Giả sử bạn dùng buddy box, HLV sẽ giao quyền điều khiển cho bạn bằng cách nhấn-giữ nút huấn luyện. HLV sẽ yêu cầu bạn thực hiện những động tác và thực hiện như thế nào. HLV sẽ hướng dẫn bạn cách để nâng cao cách thức thực hiện các động tác. HLV sẽ yêu cầu bạn nhẹ nhàng quẹo phải, trái, bay theo hình bầu dục quanh sân, bay hình chữ nhật và hình số tám. Mỗi động tác nhằm mục đích xây dựng kỹ năng của bạn. Bạn sẽ thực hiện cua gắt hơn, bay chậm và cứu triệt nâng... bản thân mỗi động tác này đòi hỏi phải thuần thục để bạn học đáp.
Bất cứ khi nào bạn gặp trục trặc, HLV liền nắm lấy quyền điều khiển, chỉ bằng cách nhả nút huấn luyện ra. HLV có thể tránh được tai nạn và đưa tàu trở lên độ cao an toàn. HLV sẽ không để cho tình hình trở nên nghiêm trọng, tuy nhiên ông ta vẫn tạo cơ hội cho học trò tự thử sửa chữa sai lầm.
Nếu bạn có đủ thời gian tập bay thường xuyên, bạn sẽ tiến bộ nhanh chóng. Một lúc nào đó HLV sẽ cho phép bạn tập tiếp cận đáp lần đầu tiên. Đây là thời điểm khó khăn cho HLV vì ông ta sẽ phải hành động cực nhanh nếu học trò phạm sai lầm. Có thể bạn phải thực hiện tiếp cận nhiều lần truớc khi bạn thực sự chạm bánh mô hình xuống đường băng. Ngay cả khi đó, tàu có thể nẩy lên và có vẻ như muốn bay lên lại. Dù cho điều này có xảy ra, bạn vẫn phải cố gắng tiếp tục kiểm soát tàu cho đến điểm dừng bánh.
Sau một thời gian, có vẻ như vô hạn đối với bạn, ngày đẹp trời đến khi HLV đã hài lòng rằng học trò đã đủ cứng cáp để thực hiện chuyến solo đầu tiên. Đây có thể là một kinh nghiệm lo âu hoặc phấn khích đối với bạn. Bạn sẽ cảm nhận được rằng mình đã đạt được mục tiêu, nhưng đây mới chỉ là sự bắt đầu. Bắt đầu từ đây thực sự là niềm vui thích. Bạn sẽ trải qua hàng giờ thực hành để phát triển kỹ năng của mình.
Xử dụng thiết bị mô phỏng bay (Flight simulator)
Thiết bị mô phỏng bay không thể nào dạy bạn bay. Chẳng có chương trình phù thủy nào trong máy có thể dạy bạn sửa cách thức thực hiện động tác hay cảnh báo bạn khi một động tác bị sai. Một thiết bị mô phỏng, chính xác như tên gọi của nó, là một chương trình phần mềm mô phỏng các động tác của một máy bay điều khiển. Đó là một cách thức dễ dàng và thuận tiện để thực hành từ động tác quẹo đơn giản cho đến động tác phức tạp nhất trong các điều kiện thời tiết từ tối, mưa, gió, lạnh... Rất có lợi cho bạn nếu biết dùng simulator đúng cách. Đối với người mới, simulator rất hữu ích để luyện tập lái tàu về phía ngừơi lái. Khi máy bay điều khiển bay về phía người lái, các điều khiển là ngược. Muốn làm cho tàu hướng qua phải ngừơi lái, phải đẩy cần sang trái. Để có thể đẩy cần điều khiển mà không phải suy nghĩ, cần phải luyện tập rất nhiều. Điều này có thể thực hiện với simulator.
Việc dùng simulator xen kẽ những buổi tập bay để thực hành những điều được HLV huớng dẫn sẽ rất có ích cho người mới chơi. Dựa vào những hướng dẫn, bạn nên chú trọng việc nâng cao khả năng phối hợp cũng như cảm nhận các động tác. Bạn có thể dùng simulator trước buổi tập bay để tạo lập sự tự tin để kiểm soát mô hình.
Bắt đầu
Với sự giúp đỡ của một người chơi kinh nghiệm, bạn sẽ có thể ước lượng tàu trainer nào phục vụ yêu cầu của bạn một cách tốt nhất. Có nhiều nguồn để bạn có thể mua sắm thiết bị để bắt đầu chơi. Hầu hết người sống tại các thành phố có thể mua thiết bị tại các tiệm hobby. Giá cả tại tiệm có thể hơi mắc hơn các nhà cung cấp qua mạng, nhưng chủ nhân các tiệm hobby này có thể giúp bạn nhiều điều bổ ích. Các nhà cung cấp qua mạng bằng thư thì thường có nhiều chủng loại hàng cho bạn chọn lựa, nhưng nên nhớ đặt hàng một lần để tránh bớt chi phí gửi hàng nhiều lần.
Khi bạn quyết định tham dự vào việc chế tạo và bay mô hình, bạn phải sẵn sàng dành thì giờ và tiền bạc cho môn chơi. Bạn phải sẵn àng chịu đựng sự thât vọng và trở ngại. Chơi mô hình điều khiển có thể có nhiều trở ngại và thất vọng, nó cũng có thể dành cho bạn nhiều niềm vui và phần thưởng xứng đáng.
Theo SaigonPilot
(Dịch từ tài liệu "Beginners Guide to R/C Flight" viết bởi Howard Sullivan)
Ấn like và G+ để mình có thêm động lực phát triển page, có thêm nhiều bài viết bổ ích nữa cho các bạn nhé.
0 Nhận xét