Là người đầu tiên nuôi và thu tiền tỷ từ ốc hương biển, ông Đặng Văn Nhàn (Ba Nhàn), 65 tuổi ở ấp Đường Đào, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, Kiên Giang được mệnh danh là “vua” ốc.
Bén duyên với ốc biển
Xuất thân từ người từng ươm con tôm sú giống bán, do nhiều năm làm ăn bị thất bại, cộng thêm người mua tôm giống quỵt nợ, ông Ba Nhàn không bị nhụt chí mà đứng lên từ hai bàn tay trắng.
Ông Ba Nhàn nhớ lại, năm 2005 gia đình ông từ Rạch Giá (Kiên Giang) ra sống trên đất đảo hoang sơ. Tại đây, ông chỉ xin được khoảnh đất nhỏ đủ cất được cái nhà trú mưa trú nắng cho vợ con sinh sống. Ông Ba Nhàn làm nghề đi tàu biển thuê. Mỗi lần tàu cập bến, chủ tàu cho phân loại các loài thủy hải sản để bán. Trong số các loài này, có con ốc hương. Tuy vậy, loại ốc này bị bỏ xuống biển vì chưa ai biết con ốc này có giá trị thương phẩm cao như ngày nay. Thậm chí, theo ông Nhàn, người đi biển còn cho rằng loại ốc này nhỏ, không có thịt, có bán cũng chẳng ai mua.
Ông Ba Nhàn bên những con ốc hương bố mẹ khoảng 8 tháng tuổi. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Ban đầu, ông Nhàn nhặt thử khoảng 4kg ốc hương biển, đem thả vào trong lưới cước ở bãi biển phía trước nhà. Ông thấy ốc phát triển bình thường, tỷ lệ sống rất khỏe, đạt 95%. Giống ốc này cũng chỉ cần nuôi 4 - 5 tháng đã đạt trọng lượng khoảng 50 con trên 1 kg.
Đến năm 2006, qua báo đài, ông lại tình cờ biết ở miền Trung người dân nuôi con ốc hương biển thành công và làm giàu, vì giá trị của loài này rất cao so với các loài ốc khác. Từ ý tưởng đó, ông Ba Nhàn thành lập vùng nuôi ốc trên biển. Năm đầu, ông dồn hết số tiền mồ hôi nước mắt làm thuê làm mướn mới có của cả gia đình để nuôi ốc hương. Với số tiền đó, ông chỉ nuôi được khoảng 2.000 con, chia ra làm hai mùn lưới cước. Chỉ sau 4 tháng nuôi, ông thu hoạch được 120 kg, bán với giá dao động từ 150.000 đồng/kg, ông lời gần 20 triệu đồng.
Nhận thấy giá trị kinh tế của loài ốc này, ông Ba Nhàn tiếp tục thuê 10 ha mặt nước biển với giá 4 triệu đồng/ha/năm, và nuôi mở rộng 17 mùng lưới, mỗi mùng rộng 10 x 15 m. Tính ra, ông thả thêm khoảng 2 triệu con ốc hương. Cứ mỗi mùng lưới, ông cho thả ốc với mật độ thích hợp nhất là một ngàn con. Năm đó, con ốc không phụ người, lại đem thu nhập về cho gia đình ông lên hàng trăm triệu đồng. Từ đó ông đã có trong tay 50 mùng nuôi ốc hương giống và ốc thịt trên một tỷ con. Trừ hết chi phí, mỗi năm, bán ốc thịt thương phẩm, ông Ba Nhàn lãi trên 1 tỷ đồng.
Từ lúc nuôi đến lúc xuất bán ốc hương, chỉ cần khoảng 4 - 5 tháng. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Hiện nay ông Ba Nhàn không chỉ nuôi ốc thịt thương phẩm, mà ông còn cho sinh sản con giống khá thành công để bán cho các ngư dân trong huyện, đêm về nguồn thu nhập 300 triệu đồng mỗi năm. Giờ đây, con ốc hương biển có mặt ở nhà hàng đến các quán ăn lớn nhỏ từ các tỉnh miền Tây đến TP.HCM… Chính vì vậy ông Nhàn đã nuôi theo kiểu xoay vòng, cứ một tuần là ông xuất ốc bán từ 300 đến 400 kg.
Ông Nhàn nói: “Gia đình chúng tôi nuôi ốc không đủ đáp ứng theo nhu cầu, mà phải theo đơn đặc hàng trước khoảng một tháng mới có ốc đem đi giao, có lúc giá lên cơn sốt giá khoảng 250.000 - 300.000 đồng/kg mà không có hàng đáp ứng cho khách". Từ mô hình hiệu quả nuôi ốc hương của ông Nhàn, đã có hàng chục hộ tại xã từ nghề nuôi cá bóp, cá mú… bỏ bè mà chuyển sang nghề nuôi ốc hương biển. Với tấm lòng thương người, ông không sợ khó khăn, ông Nhàn sẵn sàng đến tận nhà hướng dẫn kỹ thuật cho những hộ mới vào nghề nuôi loài ốc này.
Bí kíp kiếm tiền tỷ
Ông Ba Nhàn cho biết, con giống ốc hương trong tự nhiên ngày càng khan hiếm. Do đó, giá mỗi cặp ốc bố mẹ khoảng 1 năm tuổi lên tới vài triệu đồng là bình thường. Theo "vua" ốc hương Đảo Ngọc, ốc bố mẹ chỉ cho sinh sản được hai đến ba lần là thôi. Do đó, muốn có nguồn con giống ổn định thì không nên bán con giống bố mẹ bị sa thải làm ốc thịt, mà nên giữ lại, tạo vùng nuôi mới trong tự nhiên. Sau một năm thả về thiên nhiên, ốc bố mẹ bắt đầu sinh đẻ trở lại bình thường như ban đầu.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi loài ốc đặc sản cho thu tiền tỷ, ông Nhàn cho biết, thức ăn của chúng là các loại cá cơm xay nhuyễn. Ốc hương không thích nuốt mồi vào bụng như cá, mà chỉ hút chất dinh dưỡng trong mồi. Ông lưu ý thêm, lúc cho ăn, người nuôi cần để ý khi nào ốc hút dinh dưỡng xong thì phải vớt mồi ra để tránh cho nguồn nước bị ô nhiễm. Một ngày, ốc cần được cho ăn 2 cữ, sáng và chiều tối. Vùng thả nuôi ốc hương biển lý tưởng nhất, theo ông nhàn là vùng nước sạch và có cát trắng mịn, để ốc dễ vùi mình xuống trong cát ăn thêm rong rêu. Vùng nuôi cách bờ tốt nhất là 100 - 300 mét, độ sâu thả nuôi ốc là từ 5 đến 10 mét. Thời điểm thả ốc nuôi tốt nhất vào lúc trời chiều, tránh mặt trời thì tỷ lệ ốc sống rất cao.
Ông Ba Nhàn bên rổ ốc hương mới được nhân giống. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Theo "vua" ốc hương, nuôi loài này, sợ nhất là khi gặp bão lớn, sóng to. Chỉ cần bão, sóng đánh một ngày là ốc chết sạch. Do đó, người nuôi cần phải tìm vùng nước yên tĩnh. Kinh nghiệm của ông là nuôi ốc trên biển đảo Phú Quốc, 6 tháng nuôi ở phía bờ Tây, 6 tháng còn lại phải di dời ốc sang bò Bắc để tránh gió bão. Đã có không ít người nuôi ốc hương ở đây bị gặp bão lớn, làm thiệt hại nặng, ông nói.
"Chưa có loài cá hoặc ốc nào có giá trị kinh tế như ốc hương. Tôi đang ký hợp đồng với công ty chế biến thủy ở tỉnh Kiên Giang để sơ chế loài ốc hương đem xuất khẩu sang Trung Quốc", "vua" ốc hương Đảo Ngọc hồ hởi tiết lộ.
0 Nhận xét